Cẩm nang du lịch

Khám phá lễ hội xuống đồng ở Sapa

Sapa vào mùa xuân trở nên vô cùng nhộn nhịp với rất nhiều lễ hội truyền thống khác nhau, trong đó có lễ hội xuống đồng vô cùng đặc sắc.

Đây là lễ hội truyền thống của người dân tộc Tày, Dao được tổ chức hàng năm để cầu mong một mùa màng thuận lợi và bội thu. Lễ hội được bắt đầu vào sáng ngày mồng 8 Tết hàng năm thu hút rất đông người dân địa phương cũng như du khách ở khắp nơi. Đồng thời cũng có rất nhiều du khách nước ngoài đã đến dự vui và khám phá nét văn hoá đặc sắc của người dân vùng núi cao Tây Bắc.

Lễ hội xuống đồng được tô chức tại xã Bản Hồ- Sa Pa do người dân tộc Tày, dân tộc Dao tổ chức. Lễ hội mở màn với phần lễ bao gồm tục rước đất, rước nước. Đoàn rước gồm thầy cúng, đội trống, đội khèn, hai đôi nam nữ chưa vợ chưa chồng khiêng kiệu rước với biểu tượng âm dương đi từ rất sớm khi mặt trời chưa mọc. Dẫn đầu đoàn rước là thầy cúng – sứ giả để giao tiếp với thần linh, trên tay cầm cây nêu biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở. Theo sau là kiệu rước nước, với hai ống bương to một ống bố và một ống mẹ đựng đầy nước. Kế đến là kiệu rước đất, đất này được lấy từ trên núi cao gọi là đất mẹ.

Mâm cúng dâng lên thần linh
Mâm cúng dâng lên thần linh

Sau đoàn rước là các lễ vật dâng lên thần linh gồm mâm quả, mân xôi bảy màu, bánh dày ngũ sắc và thủ lợn, gà luộc, hai bên của thấy cúng là đội chiêng và đội trống sẽ cùng đi đến điểm làm lễ, hai đội này sẽ được thầy cúng ra hiệu nổi 3 hồi trống vang trời đất để bắt đầu nghi lễ. Trong suốt lễ cúng, thấy cũng sẽ khấn và phun nước để đuổi ma quỷ rồi tung lộc cho người dân.

Tham khảo thêm:

Kết thúc phần lễ sẽ đến phần hội được nhiều người mong chờ với những điệu múa và các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc của người Tày, người Dao ở Sapa. Tuy nhiên, nổi bật và vui nhộn nhất, thu hút nhiều người tham gia nhất phải kể đến những màn xoè. Khi tiếng kèn, tiếng trống vang lên chính là lúc các cô gái Tày mở đầu màn xoè với những động tác xoè duyên dáng, điệu nghệ mời mọi người tham gia, dần dần vòng xoè cứ rộng mãi đi đều trong tiếng kèn dập dìu.

Lúc các màn xòe kết thúc, mọi người lại tụ tập ở những khu trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, leo cột mỡ… vô cùng thú vị.

Trò đẩy gậy trong lễ hộ
Trò đẩy gậy trong lễ hội

Lễ hội này góp phần tạo nên hứng khởi, cổ vũ người dân làm việc chăm chỉ trong một vụ mùa mới. Nếu đến Sapa vào đúng dịp lễ hội, hãy cùng tham gia để khám phá thêm nét văn hóa truyền thống và trải nghiệm không khí lễ hội nơi đây nhé.