Mai Châu – Hòa Bình từ lâu đã được biết đến như là điểm du lịch hấp dẫn của vùng núi rừng Tây Bắc. Nơi đây nổi tiếng với nhiều địa điểm tham quan đẹp, hấp dẫn cùng với nhiều món đặc sản thơm ngon. Đặc biệt trong số đó phải kể đến rượu cần, là đặc sản bạn không thể bỏ qua nếu đã đi du lịch đến Mai Châu.
Tham khảo: Du lịch Mai Châu và những điều cần biết
Rượu cần hay còn gọi là “lảu kép” (rượu trấu), “lảu co” (rượu cây), “lảu xá” ( rượu vỏ trấu), “lảu bẳng” (rượu ống)

Ở bất kì thôn bản nào của người dân tộc Thái vùng Tây Bắc đâu đâu cũng uống rượu cần. Rượu cần không chỉ thơm, ngon, uống vào rất mát mà còn có lợi cho sức khỏe, kích thích tiêu hoá, lợi tiểu. Chum nhỏ thường là một chum một cần, dành cho các cặp vợ chồng. Chum nhỡ là 2 người 2 cần, theo số chẵn là 4, 6, 8. Chum to sẽ là 10, 12, 14 dành cho bạn bè anh em.

Để làm nên 1 chum rượu cần, trước tiên cần chuẩn bị vỏ trấu và chum đựng. Các nguyên liệu cần thiết để làm nên rượu cần đó là gạo hoặc ngô, sắn, khoai, dứa, chuối, củ mài và một số loại cây, củ, quả khác. Quan trọng nhất là phải có men rượu. Cách làm cũng khá đơn giản. Trước tiên, cần phải đãi sạch gạo, có thể sử dụng gạo tẻ hay gạo nếp đều được. Gạo sau khi đã đãi sạch, cho vào ngâm với nước lã hoặc nước ấm từ 3 đến 54 tiếng. Sau đó, đổ gạo ra rá, dội nước lại cho sạch rồi đem trộn với vỏ trấu. Đem hỗn hợp đó vào đồ chín rồi đổ ra để nguội, sau đó trộn đều với men rượu theo tỉ lệ 1kg gạo 2kg trấu ½ lạng men rượu. Đem ủ thật kín bằng lá hoặc nilon từ 5 đến 7 ngày. Đợi đến khi thấy dậy mùi thơm thì đem đổ vào chum đựng rồi bịt kín, đặt ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời. Sau khoảng 10 ngày là có thể uống được.

Rượu cần càng ủ lâu thì uống càng ngon, rượu càng già. Tùy theo vị của men mà vị của rượu lại khác nhau. Men ngọt như đường, mật ong thì rượu sẽ có vị ngọt. Men đậm và đắng thì rượu uống rất mạnh, hơn hẳn các loại bia thông thường.

Khi uống thì chỉ cần mở nắp chum ra rồi đổ nước vào ngâm chừng vài phút cho ngấm, sau đó cắm cần vào uống hoặc hút ra chai hay cốc, chén tùy ý. Lưu ý là nên pha rượu với nước lạnh sẽ cho vị ngon nhất, nếu dùng nước nóng hoặc nước ấm sẽ làm mất vị ngon của rượu.

Mỗi lần người Thái mang rượu cần ra đãi khách là như một lần mở tiệc. Cùng nhau ca hát, thổi sáo, khèn, đánh chiêng, trống, múa xòe dập dìu… Làm gắn kết tìn thân, tình anh em không phân biệt đẳng cấp, dân tộc hay vùng miền. Rượu cần là một trong số những đặc sản Mai Châu, từ lâu đã trở thành 1 nét đẹp văn hóa của người dân tộc Thái nói riêng và của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung.