Tin tức - sự kiện

Du lịch mạo hiểm thú vui đầy hứa hẹn

Đi xuyên rừng, chèo thuyền vượt thác, leo núi, lặn dưới đáy biển, nhảy dù… là một trong các sản phẩm du lịch mạo hiểm hấp dẫn không dành cho “du khách yếu tim”. Tưởng chừng khi triển khai tại Việt Nam, loại hình trên sẽ khó hút khách, thế nhưng thực tế nhiều đơn vị đã và đang ăn nên làm ra với những tour “độc, lạ” này

Thú vui lắm công phu

Nhắc đến du lịch mạo hiểm phải kể đến những đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong việc lên ý tưởng, thiết kế và đưa vào khai thác các dạng tour này như: Vietravel, Lửa Việt… Theo các đơn vị lữ hành, có thể tạm chia du lịch mạo hiểm nước ta theo hai hình thức là “lên rừng” và “xuống biển”- khai thác yếu tố cảnh quan thiên nhiên độc đáo như các khu rừng nguyên sinh, đồi núi, sông suối, những bờ biển đẹp, thác nước dốc… để triển khai sản phẩm.

Du khách đi du lịch mạo hiểm
Du khách đi du lịch mạo hiểm

Đáng chú ý là quá trình thiết kế một tour du lịch mạo hiểm tốn kém không ít tiền bạc, công sức lẫn tâm huyết mà đặc biệt là đòi hỏi nhà sản xuất phải có “ý tưởng lạ” và… chịu đi. Thường đối với những tour lặn biển, chèo thuyền vượt thác quá trình khảo sát phải hơn 3 tháng, tour đi xuyên rừng có khi phải chuẩn bị hơn cả năm ròng. Sau khi tìm được địa điểm tổ chức thuận lợi, các đơn vị tiến hành bàn bạc xây dựng tour với mức độ mạo hiểm phù hợp với từng đối tượng khách.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Phó giám đốc tiếp thị Vietravel cho biết, một trở ngại không nhỏ khi đưa tour vào vận hành chính là đào tạo được lực lượng hướng dẫn viên (HDV) có tâm và “đủ tầm”, không ngại khó ngại khổ, luôn bám sát để bảo đảm tuyệt đối an toàn khách. Khi quyết định tham gia chương trình, du khách sẽ được các HDV trang bị, tập huấn nhiều kĩ năng như làm cách nào để sống sót giữa rừng, sử dụng la bàn, mật khẩu đi rừng (đối với hành trình đi xuyên rừng núi), cũng như cách vượt chướng ngại vật, xử lý chấn thương (đối với tour leo núi, nhảy dù)…

Hiện 2 tour mạo hiểm tại công ty thu hút đông đảo du khách tham gia là lặn biển tại vịnh Nha Trang và leo núi Fansipan. Không dừng lại ở đó, Vietravel đang đẩy mạnh xúc tiến thêm các tour mạo hiểm mới là lặn biển tại hòn đảo xinh đẹp Phú Quốc và đi tham quan bằng đường rừng tại các tuyến điểm miền núi Tây Bắc. Ngoài ra còn lên kế hoạch kết hợp với Hiệp hội Nhảy dù thế giới để tổ chức những giải thi đấu tại Phan Thiết, Đà Lạt… góp phần quảng bá và làm phong phú thêm loại hình này.

Tương lai đầy hứa hẹn

Ông Mẫn cho biết, điều quan trọng nhất khi tổ chức tour mạo hiểm là đơn vị kinh doanh phải bền chí, lấy ngắn nuôi dài nếu không các tour này sẽ dễ “chết yểu” bởi nếu khách nước ngoài từ lâu đã được tiếp cận với loại hình này thì đối với khách Việt du lịch mạo hiểm vẫn còn là một khái niệm lạ lẫm, cần có thời gian cho họ làm quen. Thông thường thì sản phẩm mới ra đời phải quảng bá hơn một năm mới có khách. Ông Mẫn cũng cho biết thêm, nếu trước đây những tour mạo hiểm tại công ty chủ yếu phục vụ khách quốc tế đến từ các thị trường châu Âu, Mỹ, Việt kiều… thì trong vài năm trở lại đây, khách trong nước đã tham gia chương trình với số lượng rất đông, thậm chí có nhiều người sau khi thử một lần đã “nghiện” loại hình này.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Dã ngoại Lửa Việt thì phấn khởi cho biết, sau một thời gian tạm hoãn vì quá ít khách đăng kí, các tour du lịch mạo hiểm như: chinh phục những hòn hải đăng lớn nhất Nam Trung Bộ, săn cá chình trên biển Phú Yên, đi xuyên rừng, khám phá thác Mù Sương (Hàm Thuận Bắc)… đã bắt đầu “hồi sinh” khi có hơn trăm khách mua tour. Mặc dù con số không đáng là bao so với khách mua tour thông thường nhưng nó đã góp phần đáng kể cổ vũ những ý tưởng lạ, nỗ lực khai phá để tạo ra những sản phẩm mang màu sắc riêng đơn vị.

Riêng đối với Công ty du lịch Hòa Phú Thành tourist (hoạt động tại Đà Nẵng), một đơn vị thành công trong việc nối tour với các công ty du lịch tại TP.HCM và Hà Nội đưa khách tham gia hành trình du lịch mạo hiểm chèo thuyền vượt thác (những ngày cao điểm có khi phục vụ trên 500 khách), đại diện công ty, ông Chu Văn Long, Trưởng phòng kinh doanh chia sẻ, lúc đầu khi triển khai các sản phẩm này đã gặp nhiều ý kiến trái chiều cho rằng doanh nghiệp sẽ khó trụ vững vì loại hình trên rất kén khách, thế nhưng thực tế công ty đã và đang “sống tốt” với những tour “độc, lạ” này. Chắc chắn nếu được đầu tư đúng mức, tương lai của du lịch mạo hiểm tại Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa.