Du lịch Tây Nguyên, Tour trong nước

Lý lẽ của đại ngàn Tây Nguyên

“Với người thiểu số ở Tây Nguyên, rừng không những là không gian sinh tồn dưới dạng vật chất mà đó còn là nơi chốn để họ gửi gắm linh hồn vào các thế lực siêu nhiên. Cuộc sống của các cư dân bản địa luôn gắn với không gian thiêng của rừng nên rừng cũng có những “lý lẽ” riêng của nó trong quan niệm và cả trong cách “hành xử” của người thiểu số”.

Đó là đúc kết của ông Ngọc Lý Hiển, một chuyên gia về văn hóa dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên. Bởi thế, “muốn chặt hạ cây rừng để làm nhà, bà con mình phải làm lễ cúng yang bri (thần rừng) chứ không phải muốn đốn là đốn”, lời của già làng K’Mốp ở Madagui, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). Hai cảm quan được diễn đạt bởi hai cách nói khác nhau nhưng đều cho thấy không gian rừng là một “di sản” tâm linh truyền từ ngàn đời trong lòng các bộ tộc ở Tây Nguyên, hoàn toàn xa lạ với cách nghĩ “băng hoại” của những kẻ phá rừng trước cơn lốc xoáy của sức hút kim tiền.

Rừng Nam Tây Nguyên – “Ngôi nhà” đa dạng sinh học

Nằm trong lòng Nam Tây Nguyên với trên 600.000ha rừng, rừng Lâm Đồng trải dài từ cao nguyên Langbian có độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, tiếp giáp với cao nguyên Đắc Lắc, xuống tận vùng Đông Nam bộ với “chân rừng” là một khu hệ thực vật và động vật vô cùng phong phú của Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên – thuộc địa phận ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước – rất nổi tiếng.

Nói đến sự đa dạng về loài thực vật, theo số liệu của một cơ quan chuyên ngành, rừng Lâm Đồng có khoảng 3.490 loài thực vật và 393 loài nấm. Trong các loài thực vật này, có đến 131 loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam và 45 loài được liệt kê vào danh lục sách Đỏ của IUCN (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế); và đáng kể là các loài thông đỏ, thông hai lá dẹt, thông Đà Lạt, pơmu, bách xanh…

Về loài động vật, nếu không thể kể được nữa loài tê giác một sừng vừa bị WWF tuyên bố tuyệt chủng ở Việt Nam, sự đa dạng về loài của rừng Lâm Đồng vẫn đang được nhắc đến với 86 loài thú, 686 loài côn trùng, 301 loài chim và 102 loài bò sát. Trong số này có rất nhiều loài được nêu trong sách Đỏ của IUCN và sách Đỏ Việt Nam như chà vá chân đen, vượn đen má vàng, bò tót, gấu chó, gấu ngựa, báo gấm, báo hoa mai, voi, công, gà lôi trắng, trĩ sao, hồng hoàng, gà so cổ hung… Đó là nguồn tài nguyên quý giá cho ngành du lịch sinh thái.

Voi ở Tây Nguyên
Voi ở Tây Nguyên

Hiện VQG Cát Tiên cùng với di chỉ khảo cổ học Cát Tiên đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên – văn hóa của thế giới

“Lý lẽ” của rừng

Sống hòa hợp với đại ngàn là nguyên lý bất di bất dịch của người dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên từ bao nhiêu đời nay. Trong luật tục của hầu hết các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên như K’ho, Mạ, Chil, Lạch, Churu, Raglai… đều có những quy định rất nghiêm ngặt trong khai thác nguồn lợi rừng cho nhu cầu đời sống của cộng đồng. Muốn đẵn cây lấy gỗ làm nhà sàn, phải lựa cây già nhất và cứng cáp nhất, lựa cây không còn cho trái nảy mầm. Đi săn con thú, đường tên phải nhắm hướng con nai không có chửa; đi bắt con cá dưới suối, cái lờ phải biết chừa lại những con mang bụng chửa…

Chỉ với riêng về quan niệm “rừng thiêng” của đồng bào thôi cũng đủ để nói lên nhiều điều. Với các tộc người thiểu số Nam Tây Nguyên, rừng thiêng luôn hiện hữu trong đời sống hằng ngày và hiện hữu trong tâm linh. Trong đời sống xã hội người thiểu số Tây Nguyên, mỗi một dòng họ có một rừng thiêng. Cao hơn, mỗi một buôn làng có một rừng thiêng, nhiều buôn làng có một rừng thiêng; một bộ tộc có một rừng thiêng; nhiều bộ tộc lại có một rừng thiêng khác… Đặc biệt, từng khu vực với rất nhiều tộc người có quan hệ xã hội với nhau lại có một khu rừng thiêng được xem là khu rừng của thần tối cao – khu rừng ấy được gọi là Bri Yang Ndu.