Tin tức - sự kiện

5 ngọn núi cao và đẹp nhất Việt Nam

Đi dọc Việt Nam từ Bắc chí Nam, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy đất nước ta tuy nhỏ hẹp nhưng có rất nhiều núi non. Những ngọn núi qua thời gian và bào mòn của thiên nhiên khắc nghiệt vẫn sừng sững như minh chứng cho sự vĩnh cửu, trơ gan cùng tế nguyệt.

1. Đỉnh núi Phanxiphan (Lào Cai)

Núi Phanxipan thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, nằm trên địa phận tỉnh Lào Cai, cao 3.143m, là đỉnh núi cao nhất Đông Dương, được ví như “nóc nhà Đông Dương”. Muốn chinh phục đỉnh Phanxipan có 3 con đường: đường qua bản Cát Cát, đường qua bản Xín Chải và đường qua đèo Ô Qui Hồ. Người leo núi thường chọn đường qua bản Cát Cát với hành trình dài 4 ngày, 3 đêm.

Du lịch leo núi Phanxipan thật kỳ thú. Dười chân núi là những loài cây bản địa như: mít, thảo quả, gạo…, đi tiếp là những rừng cây nguyên sinh, dây leo chằng chịt. Hệ thực vật ở Phanxipan khá phong phú, có tới 1.680 loại cây chia làm 679 chi thuộc 7 nhóm. Lên cao hơn 2000m, mây mù giăng mắc, bước chân chạm vào mây… Nhưng lên cao hơn chừng 5, 6 trăm mét nữa thì bầu trời trở nên quang đãng, nhiệt độ hạ thấp, rất lạnh. Lên đến gần 3.000m, có một mốc ghi dấu năm 1905, người Pháp đã đặt chân đến đây.

Điểm cao nhất của đỉnh núi có một khối chóp bằng inox cao 70cm là di vật của các vận động viên người Nga, Đức đặt ở đây năm 1984 khi họ đặt chân đến nóc nhà Đông Dương.

2. Núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh)

Núi Hồng Lĩnh là dãy núi có tất cả 99 ngọn thuộc tỉnh Hà Tỉnh. “Hồng Lĩnh ơi, đỉnh cao mây vờn…” lời ca khúc Chào em cô gái Lam Hồng một thời nhắc nhở những chuyến xe vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu.

Ngày nay, Núi Hồng Lĩnh vẫn đứng đó sừng sững với thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và mang trong mình di tích, danh thắng. Trên núi Lĩnh có tới hàng trăm chùa, đền, miếu. Trong đó nổi tiếng và cổ kính là chùa Hương Tích, chùa Chân Tiên, gắn với huyền thoại lưu dấu chân người ngựa trên tảng đá (thuyết tiên giáng trần), chùa Thiên Tượng…

Cảnh đẹp núi Hồng Lĩnh
Cảnh đẹp núi Hồng Lĩnh

Hồng Lĩnh là địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra Đại thi hào Nguyễn Du, Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ và nhiều danh nhân văn hóa, chí sĩ yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cùng với sông Lam, núi Hồng Lĩnh được xem là biểu trưng cho tỉnh Hà Tĩnh.

3. Núi Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế)

Núi Bạch Mã có độ cao hơn 1500m, nằm cách thành phố Huế 50km về phía nam. Núi Bạch Mã do một kỹ sư người Pháp phát hiện từ những năm 30 của thế kỷ 20. Do ở gần biển nên núi Bạch Mã về mùa đông nhiệt độ không xuống dưới 4 độ C và mùa hè không cao quá 26 độ.

Trên đỉnh núi 4 mùa xanh tươi với thác nước, suối rừng và cả một vùng khí hậu ôn đới như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt… đồng thời, đây cũng là nơi quy tụ nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm miền nhiệt đới. Đứng trên đỉnh núi Bạch Mã, du khách có thể thu vào tầm mắt toàn bộ cảnh hùng vỹ, quanh co uống lượn của đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai và ánh điện lung linh của thành phố Huế vào ban đêm.

Khám phá núi Bạch Mã, du khách đi theo một chuỗi các đường mòn độc đáo. Đó là các tuyến đường mòn Trĩ Sao, dẫn bạn đến thác Trĩ Sao với rất nhiều chim Trĩ Sao sinh sống. Đường mòn thác Đỗ Quyên với bạt ngàn hoa đỗ quyên nở vào tháng 3, tháng 4 như hai thảm lục hoa khổng lồ. Đường mòn thác Ngũ Hồ và đặc biệt là đường mòn Hải Vọng Đài.

Đường mòn Hải Vọng Đài, là con đường mòn được yêu thích nhất khi khám phá núi Bạch Mã. Trên con đường này, du khách có thể nhìn thấy cảnh quan bao la hùng vĩ của các dãy núi nối tiếp ra tận biển Đông, những di chứng còn lại của những biệt thự hoành tráng thời trước – thời du lịch vàng son.

4. Núi Langbiang (Lâm Đồng)

Núi Langbian hay còn gọi là núi Lâm Viên nằm cách thành phố Đà Lạt 12km về phía bắc. Đỉnh núi cao 2.163m, là nơi thích hợp cho các hoạt động thể thao leo núi, đi bộ, nhảy dù hoặc nghiên cứu, tìm hiểu về sinh cảnh của các loài chim, thú, các loài thảo mộc nơi đây.

Langbiang là hai tên ghép từ câu chuyện của chàng K’lang và nàng H’biang theo truyền thuyết của dân tộc K’Ho. Khi K’lang và H’biang mất, cha của Biang hối hận nên đã thống nhất các bộ tộc người Lát, Chil, Sré… thành chung một dân tộc K’Ho. Mộ của hai người dần trở thành hai ngọn núi cao nằm cạnh nhau và dân làng đặt tên cho ngọn núi là LangBiang.

Đứng trên ngọn núi, một màu xanh bạt ngàn hiện ra trước mắt, mây và núi hòa quyện vào nhau. Nhìn xa xa, dòng Đankia với những dòng suối nhỏ uốn lượn ôm ấp chân núi, những ngôi nhà nhấp nhô xen lẫn giữa núi và cây, như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

5. Núi Chứa Chan (Xuân Lộc – Đồng Nai)

Núi Chứa Chan hay còn gọi là núi Gia Ray thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Núi Chứa Chan có thế núi chót vót, trông xuống khe Da Lao, chỗ giáp giới hai huyện Long Khánh và Phước Bình có nhiều mây song gỗ lạt, lưng núi có động đá và giếng đá…”. Nhìn từ xa, núi giống hình bát úp, vào buổi sáng hay khi chập tối, trên đỉnh thường xuất hiện những mảng mây trắng nhỏ lãng đãng hết sức thơ mộng.

Núi Chứa Chan cao 837m (cao thứ 2 ở Đông Nam bộ, sau núi Bà Đen – Tây Ninh). Trên đỉnh núi có chùa Bửu Quang, được lập đầu thế kỷ 20. Chùa có chánh điện mái vòm, tọa lạc trong một hang đá trông như hàm rồng với toàn bộ quần thể kiến trúc đều dựa theo những hang động thiên nhiên tạo nên nét thâm nghiêm và kỳ vĩ.

Ngoài chùa Bửu Quang, nơi đây cũng nổi tiếng với cây đa cao khoảng 50m, được hình thành từ 3 gốc chụm lại với những truyền thuyết kỳ bí. Những viên đá granite xếp ken nhau tạo thành một bức tường dày. Ẩn sâu bên trong là hang đá với lòng hang sâu hun hút, khúc khuỷu…Rời vị trí của khung cảnh này, du khách tìm lối lên đỉnh núi Chứa Chan và chinh phục không gian rộng lớn. Từ trên đỉnh núi, du khách sẽ thu vào tầm mắt rừng nguyên sinh ngút ngàn, ngắm suối Da Lào uốn lượn qua các ghềnh đá, đẹp như một bức tranh thủy mặc hay hít thở không khí trong lành và cảm giác bầu trời như gần hơn.