Danh lam thắng cảnh

Hòn Trống-Mái Sầm Sơn dịch xa nhau sau bao năm gần nhau

Hòn Trống-Mái nằm trên núi Trường Lệ – một kiến tạo lạ kỳ của thiên nhiên – đang dần dịch xa nhau, có thể gây nguy hiểm lớn nếu du khách bám vào.

Trưa ngày 12/2/2014, ông Trịnh Huy Triều – Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn –  khuyến cáo du khách du lịch Sầm Sơn không nên đến quá gần và tác động lực vào hòn Mái.

Khoảng cách giữa hòn Trống và hòn Mái đang dịch chuyển dần xa nhau.

Theo quan sát của công ty du lịch Khát Vọng Việt, hòn Mái hiện nay đã dịch chuyển cách hòn Trống ở điểm tiếp giáp với khối đá làm bệ trụ khoảng 2m. Nhìn ở mặt tiếp giáp trên mũi của hai hòn Trống và Mái cho thấy khoảng cách ước lượng cách xa nhau gần 1m.

Nguyên nhân dẫn tới sự dịch chuyển – theo người dân Sầm Sơn – là do sự tác động của thiên nhiên và con người bám vào hòn Mái, kéo cho nó rung rinh. 

Mặt tiếp giáp giữa hòn Mái với khối đá bệ trụ chỉ còn “dính nhau” với tiết diện khoảng 40cm, khá chênh vênh, một người vịn tay vào mỏm hòn Mái (với khối lượng nặng hàng trăm tấn) tác động lực nhỏ đã cảm nhận thấy sự “rung rinh”.

Anh Văn Đình Cam – nhân viên bảo vệ rừng thuộc Cty CP môi trường đô thị và dịch vụ du lịch thị xã Sầm Sơn – cho biết, anh làm việc ở đây từ hơn chục năm qua nên nhận thấy rất rõ việc dịch chuyển của hòn Mái.

“Trước đây, nếu một người đi qua khe hở giữa hai hòn đá phải lách, nếu không sẽ bị va đầu vào mỏm một trong hai hòn Trống hoặc Mái. Nhưng nay thì khoảng cách giữa hai mỏm nằm khá xa nhau nên người trèo lên bệ đá có thể đi qua lại giữa hai mỏm đá rất thoải mái” – anh Cam nói.

Theo anh Cam thì nguyên nhân dẫn tới sự dịch chuyển này là do tác động của thiên nhiên, mưa bão trong nhiều năm qua, cộng với sự tác động của du khách; bởi du khách thường tò mò vì với một khối đá lớn như vậy, một người làm sao có thể kéo cho nó rung chuyển được.

Tiết diện tiếp giáp giữa hòn Mái và bệ đá phía dưới chỉ còn khoảng 40cm.

Do đó, du khách đến đây tham quan thường víu tay vào mỏm hòn Mái để thử “sức khỏe”, vô tình góp phần tác động vào sự dịch chuyển của khối đá này.

Cụ bà Cao Thị Kim (76 tuổi) – trú phố Trung Mới, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn (người sinh sống ngay cạnh hòn trống mái suốt từ năm 1990 đến nay) – cũng nhận xét:

Dân gian có câu:

“Dù cho mưa gió bão bùng

Thiếp tôi vẫn giữ thủy chung với chàng”.

Vậy nhưng giờ đây, hòn Trống còn đó vững chãi thì hòn Mái lại dịch chuyển ngày một ra xa, khiến mọi người liên tưởng tới cảnh “thiếp – chàng” có vẻ muốn rời xa nhau sau hàng nghìn năm “thủy chung son sắt””.

Khoảng cách giữa hai mũi hòn Trống và hòn Mái xưa một người đi qua phải nghiêng đầu,

nhưng nay nằm cách nhau tới gần 1m.

Về sự việc trên, ông Trịnh Huy Triều – Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn – cho biết thêm: Sau khi phát hiện hòn Mái có dịch chuyển, UBND thị xã đã giao cho các ngành chức năng có biện pháp bảo vệ, khuyến cáo du khách không nên đến gần khu vực hòn Trống-Mái, không tác động vào hai hòn đá này.

Mặt khác, UBND thị xã Sầm Sơn đã có văn bản báo cáo về UBND tỉnh. Từ đó, UBND tỉnh có chỉ đạo giao cho Sở Xây dựng phối hợp cùng Sở VHTTDL tiến hành khảo sát cụ thể để có cơ sở khoa học trước khi đưa ra biện pháp xử lý. Sở Xây dựng đã hai lần xuống kiểm tra, nhưng chưa đưa ra kết luận cuối cùng.

Khách du lịch cần đọc những thông tin, cẩm nang du lịch để chúng ta tham gia du lịch cùng gia đình, bạn bè vui vẻ nhưng cần biết cách bảo vệ danh lam thắng cảnh của Việt Nam nói chung và Sầm Sơn, Thanh Hóa nói chung.