Ẩm thực

Xôi ngũ sắc – ẩm thực núi rừng Tây Bắc

“Xôi ngũ sắc thể hiện tình đoàn kết của các dân tộc anh em vùng Tây Bắc. Năm màu sắc khác nhau nhưng cùng hội tụ lại thành một tổng thể gắn kết”.

Xôi ngũ sắc từ lâu đã được biết đến là đặc sản ẩm thực của vùng Tây Bắc. Điều thú vị là năm màu sắc tạo thành một tổng thể, tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của các dân tộc anh em. Nhưng, mỗi màu sắc cũng có thể đứng độc lập, mang ý nghĩa riêng gắn với từng dân tộc.

Người Thái Mường Lò đã định cư ở vùng đất Tây Bắc từ lâu đời. Họ có bản sắc văn hóa độc đáo, đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Món xôi ngũ sắc là đặc sản hội tụ những giá trị truyền thống và hiện đại, mang ý nghĩa triết lý âm dương và nhân sinh cao đẹp.

Tại nhà anh Vi Quang Thuật ở bản Hốc, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, chúng tôi có dịp tìm hiểu về món xôi ngũ sắc.

“Các già làng trong bản đã từng nói với anh rằng, xôi ngũ sắc thể hiện tình đoàn kết của các dân tộc anh em vùng Tây Bắc. Năm màu sắc khác nhau nhưng cùng hội tụ lại thành một tổng thể gắn kết,” anh Thuật vừa chế biến xôi vừa nói với trò chuyện.

Xôi ngũ sắc vùng Tây Bắc
Xôi ngũ sắc vùng Tây Bắc

Sau đó, anh tiếp tục câu chuyện với vẻ mặt hơi buồn: “Dù rất cố gắng nhưng mùa này lá cây gừng còn non và xanh nên anh không kịp tìm để làm màu xanh của xôi.” Vậy nên, chúng tôi chỉ mới vinh dự được thưởng thức món “xôi tứ màu” của bản.

Ngày trước, món xôi ngũ sắc chỉ được làm vào những ngày hội lớn, ngày lễ tết hay cưới hỏi, nhưng, giờ nó trở thành món ẩm thực phổ biến trong đời sống, thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà.

Tùy vào mức độ thân thiết của khách với chủ nhà mà có khi chỉ đồ xôi nhị màu, tam màu. Nhìn vào đó có thể biết được quan hệ mật thiết của chủ nhà với khách. Đúng là mỗi dân tộc đều có sự tinh tế riêng.

Để làm món xôi ngũ sắc, việc đầu tiên là phải chọn gạo. Gạo để đồ xôi nhất định phải là gạo nếp Tú Lệ (còn gọi là nếp Tan Lả – theo tiếng của người Thái). Loại gạo nếp đặc sản vừa thơm, vừa dẻo, nổi tiếng nhất vùng thung lũng lòng chảo Mường Lò. Nước đồ xôi phải là nước suối Mường Lò thì xôi mới thơm ngon.

Các loại lá rừng dùng để nhuộm màu được lựa chọn kỹ lưỡng, lá không được quá non hay quá già. Sau đó rửa sạch nấu với nước lấy từ suối nguồn ở xã Tú Lệ.

Khi đã có nước màu, gạo nếp được cho vào ngâm khoảng 10 tiếng rồi vớt ra để ráo nước. Màu đỏ thì dùng lá cây có tên gọi là cơm xôi đỏ hay vào mùa gấc chín có thể lấy gấc làm màu xôi đỏ.

Làm món xôi đen, có thể dùng gạo nếp có hạt gạo màu đen giống như nếp cẩm nhưng hạt tròn, to hơn, song người ta dùng lá cây gừng mọc ở rừng hoặc ven khe suối đốt lấy tro ngâm nước rồi gạn lấy nước trong để ngâm gạo.

Làm món xôi vàng chỉ cần lấy củ nghệ già, giã nhỏ pha với nước ngâm gạo rồi đồ xôi là được.

Mỗi màu có một ý nghĩa riêng. Màu đỏ là màu tượng trưng cho khát vọng, màu tím tượng trưng cho trời đất trù phú, màu vàng tượng trưng cho sự no đủ, màu xanh tượng trưng cho núi rừng Tây Bắc, màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng và sự thủy chung.

Ngoài ra, mỗi gam màu của xôi thể hiện sống động màu sắc trên chính trang phục của những thiếu nữ Thái.

Những ai có dịp thưởng thức món xôi này đều có chung cảm nhận và ấn tượng khó quên không chỉ bởi cái dẻo thơm từ hạt nếp Tú Lệ mà còn bị lôi cuốn bởi sự hòa quyện màu sắc của nó. Đây cũng là điều đặc biệt so với món xôi của các vùng, miền khác, một sự sáng tạo của phụ nữ Thái nói riêng và những dân tộc vùng Tây Bắc nói chung.